Nhìn lại SEA Games 32: đỉnh cao phụ nữ Việt

    Anna
    Anna18/05/2023 lúc 04:21 GMT0

    Bongda2AMtrên

    Google News
    Phụ nữ Việt Nam luôn kiên cường và mạnh mẽ. Hãy cùng nhìn lại SEA Games 32 để chứng kiến những khoảnh khắc tuyệt vời của những cô gái vàng.
    Nhìn lại SEA Games 32: đỉnh cao phụ nữ Việt

    Tổng kết SEA Games 32: Thể thao Việt Nam đang thống trị khu vực

    Nhìn lại SEA Games 32, Đoàn Thể thao Việt Nam đã cán đích vị trí nhất toàn đoàn. Cụ thể, chúng ta đã giành đến 136 HCV, 105 HCB cùng 114 HCĐ. Xếp thứ 2 là đoàn Thái Lan với lần lượt 108 HCV, 96 HCB và 108 HCĐ. Đoàn thể thao Indonesia có những ngày cuối bứt tốc nhanh để vươn lên vị trí thứ 3 chung cuộc  (87V, 80B và 109Đ). Trong khi đó, chủ nhà Campuchia xếp hạng 4 chung cuộc với 81 HCV, 74 HCB và 127 HCĐ. Đoàn thể thao Đông Timor là đội yếu nhất khu vực khi không giành được HCV và HCB nào trong khi cũng chỉ có 8 HCĐ.

    Như vậy, thể thao Việt Nam đã có 2 kỳ SEA Games liên tiếp cán đích ở vị trí số 1. Năm trước, với vai trò chủ nhà thì chúng ta áp đảo các đội với 205 HCV, 70 HCB và 104 HCĐ. Kể từ khi gia nhập Đại hội với tư cách Việt Nam thống nhất đến nay thì chúng ta đã vươn lên vị trí thứ 4 trong lịch sử SEA Games. Cụ thể, thể thao Việt Nam đã có đến 1296 HCV trong các kỳ Đại hội. Thái Lan vẫn đang là đội có nhiều HCV nhất lịch sử với 2454. Tuy nhiên, họ là 1 trong 5 đội sáng lập giải đấu và tham dự tất cả các kỳ SEA Games nên số lượng HCV nhiều là điều dễ hiểu.

    Tổng kết SEA Games 32 nhiều ấn tượng
    Việt Nam đã kết thúc SEA Games 32 thành công hơn dự định. Nguồn ảnh: sưu tầm

    Dù Điền kinh đóng góp đến 12 HCV nhưng Việt Nam chỉ xếp thứ 2 sau Thái Lan (16 HCV) ở bộ môn này. Thể dục dụng cụ chính là môn có nhiều HCV thứ 2 và cũng là môn mà chúng ta dẫn đầu. Các VĐV của chúng ta đã giành đến 9 trong tổng số 13 HCV có thể ở bộ môn này. Karate (6 HCV), Judo (8 HCV) và Wushu (6 HCV) là những môn thể thao mà đoàn Việt Nam dẫn đầu. Môn thế mạnh Vovinam (7 HCV) đã bất ngờ bị chủ nhà Campuchia cướp vị trí bá chủ với 10 HCV.

    Chủ nhà Campuchia lạm quyền

    Từ một nước có nền thể thao không quá mạnh trong khu vực nhưng Campuchia lại cán đích vị trí thứ 4 tại đại hội năm nay. Đây thật sự là một bất ngờ dành cho thể thao ĐNÁ. Tuy nhiên, nếu nhìn lại SEA Games 32 với những môn thi đấu mà chủ nhà đưa ra thì không có gì là quá bất ngờ. Campuchia đã đưa những môn truyền thống thế mạnh của họ như Kun Bokator, Kun Khmer và Ouk Chaktrang (cờ Ốc) vào thi đấu. Đây là những môn mà nhiều quốc gia trong khu vực mới chỉ biết đến kể từ sau khi Phnom Penh giành quyền đăng cai giải đấu.

    Kết quả, Campuchia giành đến 14 trong tổng số 19 HCV ở bộ môn Kun Khmer. Ngoài ra, họ còn có thêm 3 HCB và 2 HCĐ. Riêng môn này đã đóng góp gần 20% trong tổng số HCV cho đoàn thể thao chủ nhà. Ở môn Kun Bokator thì họ có 8 HCV, 8 HCB và 3 HCĐ. Tuy nhiên, ở môn cờ Ốc thì Campuchia lại bất ngờ chỉ giành được 1 HCV, xếp sau Việt Nam (2 HCV) và Thái Lan (4 HCV). Bất ngờ nhất chính là việc chủ nhà là đội có được nhiều HCV nhất ở bộ môn Vovinam, vốn là sở trường của Việt Nam. Cụ thể, Campuchia đã có đến 10 HCV, 8 HCB và 9 HCĐ ở môn Vovinam.

    Tổng kết SEA Games 32 VN nhất toàn đoàn
    Chủ nhà Campuchia bất ngờ “thắng lớn” ở môn Vovinam. Nguồn ảnh: sưu tầm

    Việc Campuchia có nhiều HCV Vovinam một phần là từ sự thiên vị khi chấm điểm của các trọng tài. Những phần thi đối kháng thì họ đều thua Việt Nam nhưng ở phần thi biểu diễn tính điểm thì chủ nhà lại bất ngờ có HCV. Ở những nội dung đối kháng nữ thì Campuchia cũng được chấm điểm ưu ái để tích góp HCV. Ngoài việc thêm các môn thế mạnh thì chủ nhà giải đấu năm nay còn bỏ đi những môn mạnh của các quốc gia khác. Họ cũng sắp xếp lịch thi đấu bất lợi cho các VĐV nước khác, nhất là Việt Nam.

    Campuchia cũng đã nhập tịch rất nhiều VĐV nước ngoài để gia tăng sức mạnh cho mình. Ở môn bóng rổ thì họ ra sân với 4/5 cầu thủ không có liên quan gì đến quốc tịch Campuchia. Ở môn điền kinh thì cũng rất nhiều VĐV được nhập tịch nhưng kết quả không được như mong đợi của chủ nhà. Quả thật, Campuchia đã lạm quyền quá trắng trợn và không từ mọi thủ đoạn tại Đại hội thể thao ĐNÁ. Nhìn lại SEA Games 32 hẳn người hâm mộ (NHM) không muốn giải đấu lại được tổ chức ở Phnom Penh.

    Tổng kết SEA Games 32 Việt Nam xuất sắc dẫn đầu
    Dù bị chủ nhà xếp lịch bất công nhưng Nguyễn Thị Oanh vẫn giành 2 HCV liên tiếp. Nguồn ảnh: sưu tầm

    Vinh danh phụ nữ Việt Nam

    Nhìn lại SEA Games 32 thì rõ ràng các VĐV nữ của Việt Nam thật sự nổi bật và được xem là điểm nhấn của giải đấu. Đội tuyển bóng đá nữ của chúng ta đã bảo vệ thành công chiếc HCV lần thứ 4 liên tiếp. Đây là một kỷ lục mà ngay cả Thái Lan cũng khó mong làm được. Tuy để thua Philippines ở vòng bảng nhưng bằng bản lĩnh và kinh nghiệm thầy trò Mai Đức Chung vẫn dễ dàng bước lên bục cao nhất. Sau chiến tích này thì VFF cùng rất nhiều tập đoàn trong nước đã trao thưởng lớn cho những nữ chiến binh sao vàng. Đây sẽ là động lực để ĐT nữ Việt Nam hướng đến VCK World Cup nữ 2023 diễn ra tại Úc và New Zealand vào tháng 7 tới.

    Ở bộ môn điền kinh thì các cô gái của chúng ta xứng danh là những chiến binh. Những nữ VĐV đã đóng góp đến 11 trong 12 HCV mà đoàn điền kinh có được tại giải đấu năm nay. Trong đó, Nguyễn Thị Oanh thật sự khiến cả ĐNÁ lẫn quốc tế ngỡ ngàng. Ngay sau khi phá kỷ lục ở cự ly 1.500m thì chân chạy người Bắc Giang đã bước tiếp vào nội dung 3000m vượt chướng ngại vật nhưng cô vẫn đoạt HCV dù có chưa đầy 20 phút nghỉ ngơi. Nữ VĐV sinh năm 1995 còn giành thêm HCV ở 2 nội dung 5000m và 10.000m. Thành tích Nguyễn Thị Oanh đã khiến truyền thông của nhiều nước phải đưa tin khen ngợi.

    Tổng kết SEA Games 32, VN dẫn đầu
    ĐT nữ Việt Nam vẫn là “bà trùm” của Đông Nam Á. Nguồn ảnh: sưu tầm

    Ngoài Nguyễn Thị Oanh thì các cô gái vàng của làng điền kinh như Huỳnh Thị Mỹ Tiên, Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Thanh Phúc và Nguyễn Linh Na cũng đóng góp những tấm HCV quý giá. 4 cô gái gồm Minh Hạnh, Thị Hằng, Thị Huyền và Thị Ngọc cũng xuất sắc bỏ xa các đối thủ ở nội dung 4x400m nữ. Hầu như, NHM khi xem những pha nước rút của các cô gái này đều không khỏi rùng mình và thán phục. Ngay cả khi chạy chung với các nam VĐV trong nội dung 4x400m thì Nguyễn Thị Hằng và Nguyễn Thị Huyền cũng tỏa sáng không hề kém cạnh. Chứng kiến các cô gái chạy trên sân thì NHM cũng hiểu họ đã phải hy sinh rất nhiều để có vinh quang của hôm nay.

    Nhìn lại SEA Games 32 thì ở mỗi bộ môn thi đấu đều có nữ VĐV Việt Nam tỏa sáng. Ở nội dung bóng rổ nữ 3x3 thì chị em Việt kiều Mỹ Thảo My, Thảo Vy cùng Huỳnh Thị Ngoan và Tiểu Duy đã thi đấu cực kỳ xuất sắc đánh bại Philippines để giành HCV. Đây là chiếc HCV đầu tiên mà chúng ta có được ở nội dung bóng rổ. Ngay cả kỳ SEA Games 31 trên sân nhà thì bóng rổ của chúng ta cũng chỉ có HCB. Nói vậy để thấy, các thành viên đội bóng rổ nữ đã phải nỗ lực và tiến bộ không ngừng để mang về vinh quang.

    Tổng kết SEA Games 32, điền kinh Việt Nam tuyệt vời
    Hình ảnh tuyệt vời của những nữ VĐV điền kinh Việt Nam. Nguồn ảnh: sưu tầm

    Ở những nội dung võ thuật thì các cô gái của Việt Nam cũng tỏ ra xuất chúng. Hoài Nương, Kim Thùy, Thùy Mỵ đã góp công trong 2 chiếc HCV môn Vovinam. Dương Thúy Vi và Nguyễn Thị Lan mang về HCV Wushu. Như Anh, Hoàng Thị Tình cùng Thanh Thủy vô địch ở các hạng cân đối kháng môn Judo. Các cô gái vàng của Taekwondo cũng góp 2 HCV. Mỹ Tâm, Đinh Thị Hương, Nguyễn Thị Ngoan, Trương Thị Hương đã mang về 4 HCV ở nội dung cá nhân và đồng đội trong bộ môn Karate. Nếu là một người yêu thích thể thao thì hẳn bạn không thể không tự hào khi xem các cô gái này thể hiện bản thân.

    Hồng Ân và Thu Nghĩa đã mang về 2 HCV Pencak Silat. Vũ Thị Bình giành HCV ở bộ môn Arnis khá mới mẻ. Đáng chú ý, các cô gái Việt Nam đã khiến chủ nhà Campuchia phải nể phục khi giành đến 4 HCV ở bộ môn Kun Bokator. Phạm Thị Phương, Thanh Tiền, Tuyết Mai và Song Thương đều chiến thắng trong nội dung đối kháng các hạng cân của bộ môn này dù chỉ mới tập luyện chưa lâu. Ở nội dung Kun Khmer thì 5 nữ VĐV của Việt Nam cũng gây ấn tượng với 5 chiếc HCV đối kháng. Trong đó, có đến 3 trận chúng ta đánh bại các VĐV của chủ nhà. Rõ ràng, khi nhìn lại SEA Games 32 thì NHM không khỏi khâm phục và thêm yêu quý các nữ VĐV thể thao nước nhà.

    Tổng kết SEA Games 32, Thể thao Việt Nam xuất sắc
    Triệu Thị Phương Thúy giành HCV Kun Khmer ngay trên đất Campuchia. Ảnh: sưu tầm

    Hướng đến Asian Games

    Đoàn thể thao Việt Nam đã thành công về mặt số lượng huy chương tại SEA Games 32. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta có thể tự mãn. Sắp tới, thể thao Việt Nam sẽ tham dự giải đấu rất lớn là Asian Games 2022 tại Trung Quốc. Giải đấu này được tổ chức muộn vào tháng 9 năm nay do năm trước chủ nhà khi đó còn chống dịch COVID-19. Hai đội bóng U23 và đội tuyển nữ của chúng ta đều sẽ tham dự giải đấu này. Với những thành công từ những giải đấu trước và đang vươn tầm đẳng cấp thì cả hai đội tuyển đều rất được kỳ vọng sẽ làm nên chuyện tại Hàng Châu.

    Nhìn lại SEA Games 32 thì thể thao Việt Nam có rất nhiều môn thế mạnh đủ để cạnh tranh tại Asian Games. Nguyễn Thị Oanh thật sự là niềm hy vọng lớn cho bộ môn điền kinh. Cô từng giành HCV ở nội dung sở trường 1500m nữ thể thao châu Á trong nhà diễn ra hồi tháng 2 vừa qua tại Astana, Kazakhstan. Oanh cũng từng giành HCĐ ASIAD 2018 nội dung 300m vượt chướng ngại vật. Nguyễn Thị Huyền cũng sẽ là niềm hy vọng lớn cho điền kinh nước nhà tại Hàng Châu. VĐV người Nam Định vừa giành HCB nội dung 400m tại Astana hồi tháng 2. Trước đó thì Huyền từng có cú đúp HCV tại giải điền kinh châu Á 2017. Quách Thị Lan cũng là cái tên đáng gờm khi chính là người giành HCV 400m vượt rào tại Asian Games 2018.

    Tổng kết SEA Games 32
    Kình ngư Nguyễn Huy Hoàng là niềm hy vọng lớn tại Asian Games sắp tới. Nguồn ảnh: sưu tầm

    Tại Asian Games 2018 thì Việt Nam từng giành 5 HCV, 15 HCB và 19 HCĐ. Với phong độ và màn thể hiện rất tốt tại SEA Games 32 vừa qua thì chúng ta có quyền kỳ vọng vào thành tích cao hơn tại Hàng Châu. Rowing, chạy, nhảy xa, Pencak silat, Wushu, Karate, Taekwondo, cử tạ và bắn súng là những môn mà thể thao Việt Nam hoàn toàn có thể hướng đến huy chương tại đại hội thể thao châu Á sắp tới. Nguyễn Huy Hoàng ở nội dung bơi cũng là niềm hy vọng rất lớn. Kình ngư sinh năm 2000 từng giành 1 HCB và 1 HCĐ tại Asian Games 2018. Hoàng cũng vừa có 2 HCV cá nhân và 1 HCV đồng đội tại Phnom Penh vừa qua.

    Nhìn lại SEA Games 32 để có động lực và quyết tâm hơn nữa hướng đến sân chơi lớn như Asian Games là điều mà các VĐV của Việt Nam đang làm. Họ có quyền tự hào về những gì làm được tại Phnom Penh nhưng cũng không quên nhiệm vụ sắp tới còn to lớn hơn. Hãy cùng chờ các chàng trai và cô gái vàng của thể thao nước nhà tạo nên những cột mốc tại Hàng Châu sắp tới.

    Bài viết liên quan

    Hashtag bài viết

    Bình luận

    avatar-user
    Thêm bình luận...